Hiện có hơn 300 mã bệnh liên quan đến các bệnh lý về thần kinh của con người. Trong số 10 loại bệnh lý tâm thần thường gặp tại Việt Nam, mới chỉ có 2 loại bệnh được đưa vào diện quản lý, điều trị theo chương trình mục tiêu quốc gia là tâm thần phân liệt và động kinh

Bệnh viện quá tải

Theo bác sĩ La Đức Cương, Trưởng Ban Điều hành dự án phòng chống một số bệnh nguy hiểm đối với cộng đồng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc các bệnh tâm thần thường gặp như tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, loạn thần sau chấn thương hay do các chất gây nghiện… chiếm khoảng 15%-20% dân số (khoảng 13-18 triệu người). Tỉ lệ người bệnh tâm thần mãn tính đang được đặc biệt quan tâm chiếm 0,81% dân số (tương đương 730.000 người), trong đó tâm thần phân liệt chiếm 0,5% (430.000 người), động kinh chiếm 0,33% (290.000 người). Bên cạnh những bệnh nhân “truyền thống” này, hiện có một vấn đề nổi lên là các dạng rối loạn tâm thần do rượu, nghiện game, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn lo âu sau tai nạn, loạn thần tuổi già... Đây cũng được xem là một mối nguy cơ có khả năng dẫn đến án mạng do người tâm thần gây ra mà không biết phải ngăn chặn hay kiểm soát từ đâu.

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần trung ương IẢnh: VĂN DUẨN

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I. Ảnh: VĂN DUẨN

Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, tuy 20% dân số của TP này có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng bệnh viện hiện chỉ quản lý được khoảng 15.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh (những đối tượng thuộc diện quản lý theo chương trình mục tiêu quốc gia) trong số 40.000-50.000 người mắc hai loại bệnh này.

Bác sĩ Cương cũng cho biết 80% số người này sống ở xã, phường trong khi các bệnh viện cũng chỉ có hơn 6.500 giường bệnh nên thường xuyên quá tải. Ngoài ra, còn có 10.000 người đang được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội... Như vậy, hiện có khoảng 724.000 người bệnh tâm thần sống tại cộng đồng, trong đó hơn 440.000 người có nhiều nguy cơ tái phát bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, công tác tại Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho rằng nhà nước cần xây dựng thêm những trung tâm chăm sóc và quản lý người bệnh tâm thần (đã từng gây án) xuất viện trở về nhưng không được gia đình đón nhận. Nếu như sống tại gia đình nhưng thiếu sự quan tâm của người thân, ở họ sẽ chất chứa những hành vi nguy hiểm.

Điều trị tại trung tâm không hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết đối với những bệnh nhân tâm thần có hành vi nguy hiểm, gây án mạng thì sẽ bắt buộc đưa đi điều trị tại trung tâm. Hiện Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người bị bệnh tâm thần nặng, trong khi cả nước chỉ có 26 trung tâm chăm sóc.

“Muốn chăm sóc hết hơn 200.000 bệnh nhân tâm thần nặng thì cần phải có 200 trung tâm và điều này là không tưởng” - ông Đức tính toán. Ông Đức khẳng định dù có đủ trung tâm để điều trị cho người tâm thần thì cũng không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Theo ông, về mặt khoa học và thực tiễn, việc đưa bệnh nhân vào trung tâm là không phù hợp. Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy việc chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần tại trung tâm càng khiến bệnh nặng thêm và tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Cần sự trợ giúp của xã hội

Hiệu quả cao nhất là người tâm thần phải được chăm sóc, điều trị tại cộng đồng và cần kết hợp nhiều yếu tố để đem lại hiệu quả tích cực. Người bệnh phải được cấp thuốc; có cán bộ y tế theo dõi thường xuyên, giúp hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội. “Cần sự trợ giúp của xã hội và nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc cũng như kỹ năng phòng vệ cho gia đình có người bị tâm thần khi người bệnh có biểu hiện lạ, bất thường” - ông Đức nhấn mạnh.

Theo ông Đức, chúng ta đang hướng đến việc điều trị bệnh nhân tâm thần dựa vào cộng đồng. Những bệnh nhân có biểu hiện cấp tính như lên cơn, có biểu hiện nguy hiểm sẽ lập tức được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội; nếu tình trạng quá nặng sẽ đưa đến bệnh viện tâm thần của tỉnh, thành phố để điều trị.

Để việc điều trị, chăm sóc ở cộng đồng có hiệu quả, ông Đức cho rằng chỉ một mình ngành y tế hay ngành lao động thì không thể giải quyết được mà cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, đặc biệt là chính quyền cơ sở. “Tất cả các nước tiên tiến trên thế giới như Úc, Mỹ và các nước khu vực Đông Nam Á đều hướng đến phương pháp điều trị tại cộng đồng như vậy” - ông Đức nói.

Trong điều kiện hiện nay, để giảm những hệ lụy đáng tiếc cho gia đình, cộng đồng, ông Đức kiến nghị cần tăng cường khả năng thu thập thông tin, đánh giá, phát hiện những trường hợp có biểu hiện nghiêm trọng, kịp thời phối hợp ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người khác.