Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã khẳng định, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần luôn được ngành y tế đặc biệt quan tâm, tuy nhiên đến nay, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần. Hiện số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và nếu không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và cả xã hội. Việc phát hiện sớm, điều trị tốt sẽ ngăn chặn được sự gia tăng tội phạm, thậm chí là tội phạm giết người…
Để việc phát hiện sớm, quản lý và điều trị kịp thời mang lại quyền lợi thiết thực cho cả người mắc bệnh trong bối cảnh nhân lực về sức khỏe tâm thần ở nước ta còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực rất cần có một chiến lược dài hạn và tổng thể. Chính vì vậy việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016 – 2025 là cần thiết và quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến và Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Lokky Wai, GS Harry Minas, Đại học Melbourne đã đề xuất, định hướng một số vấn đề trong Dự thảo Chiến lược để các đại biểu tập trung thảo luận nhằm hoàn thiện hơn nữa nội dung bản Dự thảo trước khi gửi đi xin ý kiến các bộ, ngành và các địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung như việc cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được lồng ghép với các dịch vụ cho các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mạn tính khác. Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được lồng ghép vào chăm sóc sức khỏe chung. Các bệnh viện đa khoa, nhất là ở tuyến huyện cần cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần thiết yếu cho bệnh nhân sức khỏe tâm thần. Điều này mang lại sự thuận tiện cho bệnh nhân, nhất là đối với những người vừa bị mắc rối loạn sức khỏe tâm thần vừa bị bệnh thể chất. Cần có dịch vụ sức khỏe tâm thần cho các nhóm đặc biệt như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người bị khủng hoảng sau thảm họa, thiên tai và tù nhân trong nhà tù; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội cho bệnh nhân rối loạn tâm thần…
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng vấn đề về sức khỏe tâm thần cần phải được quan tâm hơn nữa như có chính sách ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực; cần có Luật sức khỏe Tâm thần và đơn vị chuyên trách về sức khỏe tâm thần tại Bộ Y tế. Ngay cạnh Việt Nam là Lào, Thái Lan đều có Cục sức khỏe tâm thần giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Dự thảo Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016 – 2025 được xây dựng với quan điểm sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Không có sức khỏe tâm thần thì sẽ không có sức khỏe. Chăm sóc sức khỏe tâm thần góp phần đạt được Mục tiêu phát triển bền vững. Dự thảo chiến lược đề ra mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe tâm thần, dự phòng các rối loạn tâm thần, đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội hiệu quả và công bằng, thúc đẩy sự hồi phục, bảo vệ quyền con người, giảm bệnh tật, tử vong, và tàn tật cho người có các rối loạn tâm thần.
Trong đó có 5 mục tiêu cụ thể bao gồm tăng cường lãnh đạo, điều hành, phối hợp liên ngành của chính quyền các cấp và huy động xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; tăng cường dịch vụ y tế và xã hội toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng cho người có rối loạn tâm thần; tăng cường công tác nâng cao sức khỏe tâm thần và dự phòng các rối loạn sức khỏe tâm thần cho nhân dân; đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế và xã hội theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển trong chăm sóc sức khoẻ tâm thần và củng cố năng lực và tính hiệu quả của nguồn nhân lực sức khỏe tâm thần về dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội đối với rối loạn tâm thần…./.
Theo Cục quản lý khám chữa bệnh